12/04/2019

TƯỢNG VOI, TÊ GIÁC KÊU CỨU DƯỚI CHÂN PHẬT Ở SÀI GÒN

TƯỢNG VOI, TÊ GIÁC KÊU CỨU DƯỚI CHÂN PHẬT Ở SÀI GÒN

Ba bức tượng động vật với thân thể loang máu được đặt giữa sân chùa nhằm kêu gọi mọi người bảo tồn các loài hoang dã.

1.jpg (61 KB)

Tượng voi, tê giác, tê tê tại sân Pháp viện Minh Đăng Quang. Ảnh: Mạnh Tùng.

Người dân đến lễ Phật tại Pháp viện Minh Đăng Quang những ngày này đều có cảm xúc mạnh trước bức tượng tê giác bị cắt sừng, tê tê bị lột vảy, voi bị cưa ngà đang quỳ trước tượng Phật Di Lặc.

Đây là sản phẩm truyền thông trong chiến dịch Không tạo thống khổ, ấy là cứu độ kêu gọi bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, do Trung tâm hành động - liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) và Tổ chức cứu trợ hoang dã WildAid thực hiện.

Dưới lư hương giữa sân chùa đặt tấm biển có nội dung: vì những lời đồn vô căn cứ, mỗi năm có hơn 1.000 con tê giác bị sát hại lấy sừng, khoảng 33.000 con voi bị săn bắn lấy ngà, gần 100.000 con tê tê bị giết lấy vảy và thịt. Thực trạng đó đã đẩy các loài động vật đáng thương này đến bờ vực tuyệt chủng.

"Cùng phát tâm Bồ Tát cứu độ chúng sanh bằng cách nói không với sản phẩm từ động vật hoạng dã. Không có người mua, không có kẻ giết, thông điệp nêu.

2.jpg (53 KB)

Tạo hình con voi đau đớn quằn quại vì bị cưa ngà. Ảnh: Mạnh Tùng.

Chị Hoàng Thị Ngân (phật tử ngụ quận 2) đánh giá thông điệp của chương trình rất mạnh mẽ và xúc động. "Hình ảnh con vật đau đớn, quằn quại vì mất đi những bộ phận cơ thể như lời nhắc nhở rất lớn đến chúng ta. Nếu không biết bảo vệ môi trường thì chính con người sẽ bị hủy hoại dần như những loài động vật này", chị Ngân nói.

Còn nam sinh Nguyễn Quốc Thái (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết đã nghe nhiều về thông điệp bảo tồn tê giác. Chất sừng của chúng chỉ như móng tay, chân người chứ không có tác dụng chữa bệnh nan y như những lời đồn thổi.

"Chắc chắn tôi không bao giờ sử dụng bất cứ loài thuốc, thức ăn có nguồn gốc từ việc săn bắn động vật hoang dã. Tôi sẽ rủ bạn bè đến đây xem, chia sẻ cho mọi người cùng biết và ủng hộ chiến dịch này", anh Thái nói.

3.jpg (60 KB)

Tượng tê giác bị cắt sừng và tê tê bị lột vảy. Ảnh: Mạnh Tùng.

Theo ông Nguyễn Trần Tùng (Giám đốc truyền thông CHANGE), động thái lần này nối tiếp chuỗi hoạt động truyền thông sáng tạo gồm: Chấm dứt sử dụng sừng tê giác, Cứu tê tê và Nói không với ngà voi tại Việt Nam được CHANGE và WildAid thực hiện trong 5 năm qua. 

Đặt tượng các con vật trong tư thế quỳ gối trước tượng Phật mang ý nghĩa mong được Đức Phật bảo hộ, che chở. Hình ảnh này được kỳ vọng mang thông điệp tích cực đến mọi người. Nó sẽ tác động đến những người săn bắn, mua bán hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã theo tín ngưỡng Phật giáo...

Trước đó, ba bức tượng động vật được đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) từ ngày 28/1. Sau hai tuần đặt tại khuôn viên Pháp viện Minh Đăng Quang (30/1 đến 11/2), các bức tượng được đưa đến Tu viện Khánh An (quận 12), chùa Tây Thiên ở Vĩnh Phúc rồi cuối cùng quay lại chùa Vĩnh Nghiêm.

" Trái Đất chỉ còn khoảng 28.000 con tê giác với một số loài gần tuyệt chủng (Javan và Sumatran). Nam Phi có khoảng 20.000 con tê giác trắng phương Nam nhưng khoảng 1.000 con bị giết mỗi năm vì sừng của chúng.

Tê tê là loài động vật sống về đêm và có tập tính cuộn tròn thành một quả bóng khi bị đe dọa. Chúng hiếm khi được nhìn thấy trong tự nhiên và rất khó để nuôi nhốt. Tuy nhiên, tê tê đã trở thành động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, ước tính với 100.000 cá thể mỗi năm trên khắp châu Phi và châu Á.

Thịt tê tê được coi là một món ăn nhậu ở Trung Quốc và Việt Nam. Vảy và bào thai của chúng được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị một loạt bệnh từ viêm khớp đến ung thư. Ngoài ra, tê tê cũng được sử dụng trong y học truyền thống của châu Phi.

Trong 10 năm qua thế giới đã mất đi hàng trăm nghìn con voi, đẩy quần thể voi chỉ còn 420.000 con - bằng một phần ba con số 1,2 triệu con năm 1979. Chỉ riêng Tanzania đã mất đi 65.000 con voi trong giai đoạn 2009-2015, giảm 60% quần thể.

Những con voi rừng ở Trung Phi bị sụt giảm mạnh đến 65% do nạn săn trộm từ năm 2002 đến 2013, dẫn đến 95% rừng của Congo không có voi.

Nguồn: CHANGE và WildAid "

 

Originally published on:https://vnexpress.net/thoi-su/tuong-voi-te-giac-keu-cuu-duoi-chan-phat-o-sai-gon-3876392.html